Hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics. Hiện dịch vụ logistics ở Việt Nam có quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm, tương đương trên 10% GDP của cả nước – một miếng bánh khá lớn
Nhu cầu lớn, tận hưởng ít
Hoạt động phát triển logistics ngày nay không chỉ gắn liền với hoạt động kho vận, giao nhận vận tải, mà còn lên kế hoạch, sắp xếp dòng chảy nguyên, vật liệu từ nhà cung ứng đến nhà sản xuất, sau đó luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, tạo nên sự liên thông trong toàn xã hội theo những phương án tối ưu hóa, giảm chi phí luân chuyển và lưu kho.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong nước và khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn, như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ logistics, KMTC Logistics… Phần lớn các doanh nghiệp logistics có quy mô vừa và nhỏ, trong đó 89% là doanh nghiệp Việt Nam, 10% doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Sự tăng trưởng xuất nhập khẩu những năm qua nhờ một phần quan trọng vào khai thác các thị trường FTAs. Sơ kết 3 năm thực thi CPTPP, hơn 2 năm thực thi EVFTA, 2 năm thực thi UKVFTA, 1 năm thực thi RCEP cho thấy, xuất khẩu sang thị trường các nước mới có quan hệ thương mại tự do theo các Hiệp định định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí có một số thị trường trên 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung.
Điển hình là xuất khẩu sang thị trường CPTPP. Năm 2021 xuất khẩu: 45,71 tỷ USD, tăng 18,1%, xuất siêu: 200 triệu USD, 10 tháng đầu năm năm 2022, xuất khẩu: 38,8 tỷ USD, tăng 21,1%, xuất siêu: 4,4 tỷ USD. Hay với thị trường EVFTA, theo số liệu của Eurostat, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của EU sang Việt Nam tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 9,2 tỷ Euro trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EVFTA đã tăng hơn 32%, lên gần 37,9 tỷ Euro. Một con số khác hết sức ấn tượng, đó là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan sang thị trường EVFTA, thông qua sử dụng C/O: 14,8% vào năm 2020, tăng lên 20,2% vào năm 2021 và lên 24,5% trong sáu tháng đầu năm 2022 theo một khảo sát với 500 công ty Việt Nam của VCCI.
Hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics. Hiện dịch vụ logistics ở Việt Nam có quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm, tương đương trên 10% GDP của cả nước – một miếng bánh khá lớn. Tuy nhiên, phần lớn doanh thu thuộc về công ty liên doanh và 100% vốn FDI.
Cơ hội phát triển logistics sáng dần
Mặc dù vậy, cơ hội phát triển logistics đang sáng dần với doanh nghiệp trong nước. Một ví dụ điển hình là với EVFTA, nhiều doanh nghiệp logistics của EU đã có mặt ở Việt Nam như các tập đoàn DHL Group, Kuehne + Nagel, DB Schenker của Đức, tập đoàn Maersk của Đan Mạch… trong khi các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam phần lớn ở quy mô nhỏ và vừa, tính chuyên nghiệp chưa cao. Nhưng doanh nghiệp EU không thể làm từ A đến Z trong chuỗi cung ứng, có nhiều phần việc chủ yếu do doanh nghiệp Việt Nam nắm giữ về giao nhận vận tải, kho bãi, bốc dỡ, đại lý vận tải,… Sự kết hợp giữa doanh nghiệp logistics Việt Nam với doanh nghiệp của EU đang dừng lại ở chỗ trở thành nhà thầu phụ và đại lý cho doanh EU.
Do đó, nhu cầu dịch vụ logistics ngày càng lớn theo đà tăng xuất nhập khẩu nước ta, nhưng doanh nghiệp trong nước chưa hưởng lợi nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực mang lại nhiều doanh thu và lợi nhuận như vận tải biển. Theo số liệu của Cục Hàng hải, thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu do đội tàu biển Việt Nam đảm nhận ngày càng tụt dốc trong khi lượng tàu container gần như không tăng trưởng, chỉ chiếm vỏn vẹn 4%. Đội tàu biển không đủ sức vận hành tuyến biển xa và không nắm bắt được thời cơ do hiệp định thương mại tự do mang lại…
Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, với lực lượng vận tải tàu biển có dung tích nhỏ, Việt Nam chủ yếu phù hợp với thị trường vận chuyển hàng hóa ven biển nội địa hoặc quốc tế ngắn trong khu vực. Đội tàu vận tải biển Việt Nam chưa thể cạnh tranh tại thị trường vận chuyển quốc tế, khi thế giới đang xu hướng phát triển cỡ tàu lớn hơn để tối ưu hóa chi phí.
Ở khía cạnh dịch vụ logistics, đã xuất hiện những doanh nghiệp lớn trong nước, như Tân cảng Sài Gòn, Bee Logistics, T&Y (một liên danh giữa T&T Group và YCH (Singapore)…
Hiện Bee Logistics là nhà cung cấp dịch vụ gom hàng xuất khẩu từ Hà Nội đi châu Âu thông qua trung tâm trung chuyển Frankfurt, Đức. Tuyến chuyên chở hàng gom từ Hà Nội được thực hiện vào thứ 3 hàng tuần, đáp ứng nhu cầu cấp bách của hàng chục nhà sản xuất là khách hàng của Bee Logistics trong việc tiếp cận nhanh chóng thị trường châu Âu. Ngoài hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, Bee Logistics còn đưa ra giải pháp vận chuyển cho các khách hàng tại khu vực miền Nam Trung Quốc, thuyết phục họ sử dụng sân bay Nội Bài thành điểm chuyển tiếp bay đi các nước trong trường hợp sân bay Hongkong và Quảng Châu tắc vào mùa cao điểm. Bee Logistics là doanh nghiệp nằm trong Top 10 Công ty Logistics uy tín 3 năm lien tiếp tính đến năm 2022.
Với Tân Cảng Sài Gòn, sản lượng thông qua Tổng công ty khoảng 10 triệu TEU container mỗi năm, hiện đang đứng trong 20 cụm cảng container lớn nhất thế giới, và sản lượng thông qua của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chiếm 55% thị phần xuất nhập khẩu toàn quốc.
Điểm nhấn của Tân cảng Sài Gòn là đa dạng hóa mô hình vận tải kết nối với các trung tâm logistics và cảng biển bằng hình thức vận tải đường thủy từ các cảng nước sâu khu vực Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), cảng Cát Lái (TPHCM) cũng như khu vực cảng Hải Phòng để kết nối với các địa phương lân cận Hà Nội bằng đường thủy thay cho vận tải bằng đường bộ, giảm bớt được lực lượng lao động lúc đấy và khu vực phía Nam từ Cái Mép – Thị Vải kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nam Bộ.
Đặc biệt, đã phát triển thêm mô hình cảng thông minh kết nối số, như điện tử hóa các chứng từ, thanh quyết toán, các thủ tục kết nối với các bên liên quan trong chuỗi cung ứng như cơ quan hải quan, cơ quan kiểm dịch, cảng vụ, các hãng tàu, các nhà xuất nhập khẩu để tăng hiệu quả khai thác cảng và logistics cũng như giảm chi phí cho các khách hàng.
Với T&Y, hiện mới trong giai đoạn xây dựng Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc, có quy mô 83 ha, tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm. Siêu cảng ICD Vĩnh Phúc có 4 trụ cột chính là kết nối, bền vững, tốc độ và khả năng mở rộng, hướng tới 5 mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, logistics thông suốt với trung tâm ngang tầm quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực. Đây là dự án đầu tiên của Mạng lưới logistics thông minh ASEAN.
Mặc dù vậy, những doanh nghiệp logistics lớn trong nước, có địa bàn hoạt động xuyên quốc gia như trên không nhiều. Do đó, để giúp doanh nghiệp logistics lớn lên, Thủ tướng đã có Quyết định số 200 Phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong đó đặt ra mịc tiêu hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp; ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp.